Như đã biết, cảm hay cảm lạnh là bệnh viêm đường hô hấp trên, là thường gặp nhất, do nhiều loại siêu vi khác nhau, biểu hiện chủ yếu bởi các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, hắt xì, sốt nhẹ. Bệnh thường xảy ra quanh năm, nhưng thường nhiều hơn vào giai đoạn chuyển mùa (mùa nắng sang mùa mưa ở miền Nam và thu – đông ở miền Bắc)

1. Cảm lạnh có nguy hiểm không?

   Các triệu chứng cảm thường thoáng qua, bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn sau 5-7 ngày ở người lớn và kéo dài hơn 7-14 ngày ở trẻ em.

   Sốt thường giảm sau khoảng 3-4 ngày, các triệu chứng ho nghẹt mũi thường nhiều trong 7 ngày đầu sau đó giảm dần.

   Tuy nhiên, có 1 tỉ lệ nhỏ trẻ có những biến chứng sau cảm lạnh: 

  • Nhiễm trùng thứ phát: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, viêm tai giữa, viêm xoang cấp.

  • Dễ làm trẻ tái phát các cơn hen suyễn ở trẻ có tiền căn hen.

2. Khi nào nghi ngờ trẻ bị biến chứng, khi nào cần đưa trẻ đi khám Bác sĩ ngay?

  • Trẻ ăn uống kém, bỏ ăn
  • Trẻ lừ đừ, quấy khóc nhiều, kích thích
  • Trẻ thở nhanh, thở mạnh, thở rút lõm
  • Trẻ sốt cao >38.5 độ kéo dài hơn 3 ngày
  • Trẻ nghẹt mũi nhiều, không cải thiện hoặc nặng hơn sau 10 ngày
  • Trẻ bị đỏ mắt, đổ ghèn vàng xanh
  • Trẻ có triệu chứng tai: đau tai, chảy mủ tai

3. Làm gì khi trẻ bị cảm

Cảm là bệnh do siêu vi, do vậy điều trị cảm là điều trị triệu chứng:

  • Cho trẻ uống hạ sốt đúng liều lượng khi trẻ sốt cao > 38 độ hoặc khi trẻ khó chịu nhiều. Các loại thuốc hạ sốt an toàn chứa các thành phần paracetamol, ibuprofen.
  • Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý: trẻ dưới 1 tuổi sử dụng chai nhỏ mũi kết hợp dụng cụ hút dạng bóng bóp (bóng hút mũi – buble syringe), trẻ lớn hơn 1 tuổi có thể sử dụng chai dạng xịt. Rửa mũi cho trẻ khi trẻ nghẹt nhiều, trước các bữa ăn bú và trước khi ngủ.

  • Làm ẩm không khí bằng các máy phun sương cũng giúp giảm tình trạng nghẹt mũi

  • Cho trẻ uống đủ nước, uống nước ấm, ăn đầy đủ các chất

  • Các siro ho dạng thảo dược, mật ong (trẻ trên 12 tháng) có thể được sử dụng để giảm ho.

  • Đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu các triệu chứng nặng, làm cho trẻ khó chịu nhiều.

4. Phòng ngừa cảm như thế nào?

  • Virus cảm lây truyền khi tay trẻ tiếp xúc với virus từ tay người bệnh hay môi trường, sau đó từ tay đưa lên mắt mũi miệng vào cơ thể; hoặc trực tiếp hít phải không khí chứa virus từ môi trường.

  • Do vậy, biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là giữ vệ sinh và rửa tay thường xuyên cho trẻ. Rửa tay bằng xà bông trong ít nhất 15 – 30 giây. Nếu không có xà bông, có thể sử dụng các dung dịch rửa tay nhanh chứa cồn.

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, không dùng chung đồ với người bệnh.

  • Vệ sinh, khử trùng khi trong nhà có người bị cảm.

  • Cho trẻ chích ngừa đầy đủ. Mặc dù không có vaccin phòng ngừa cho các loại virus cảm, nhưng chích ngừa đầy đủ theo lịch có thể làm nhẹ các triệu chứng của cảm và giảm nguy cơ biến chứng do nguyên nhân khác khi trẻ bị cảm.

*** Tài liệu tham khảo:

1. Howard Fischer, MD, 2016. "Common Cold", American Academy of Pediatrics Textbook of Pediatric Care, Thomas K. McInerny, MD, FAAP, Henry M. Adam, MD, FAAP, Deborah E. Campbell, MD, FAAP, Thomas G. DeWitt, MD, FAAP, Jane Meschan Foy, MD, FAAP, Deepak M. Kamat, MD, PhD, FAAP, Rebecca Baum, MD, FAAP, Kelly J. Kelleher, MD, MPH, FAAP

2. Diane E Pappas, MD, JD (2022). The common cold in children: Clinical features and diagnosis. In I. Mary M Torchia, MD (Ed.), UpToDate. from https://www.uptodate.com/contents/the-common-cold-in-children-clinical-features-and-diagnosis

3. Diane E Pappas, MD, JD (2022). The common cold in children: Management and preventionIn I. Mary M Torchia, MD (Ed.), UpToDate. from https://www.uptodate.com/contents/the-common-cold-in-children-management-and-prevention

BS CKI Nguyễn Thanh Tuấn - Khoa Nhi

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức

Nguồn: http://benhvienkhuvucthuduc.vn/