BỆNH TAY CHÂN MIỆNG NẶNG Ở TRẺ EM ĐÃ XUẤT HIỆN TRỞ LẠI

 Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây từ người sang người, do vi rút đường ruột gây ra (là Coxsackievirus A16 và Entorovirus 71).

 Tại việt Nam, Bệnh tay chân miệng (TCM) nằm trong top 10 bệnh dẫn đầu về tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm cần được khai báo, bệnh TCM lưu hành quanh năm ở hầu hết các tỉnh thành với 2 đỉnh dịch, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

 Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó đã có 03 trường hợp tử vong. Số mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần qua đã ghi nhận 423 ca mắc tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước. Hầu hết các quận, huyện số ca mắc tay chân miệng đều tăng.

Tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành, tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã ghi nhận 04 Bệnh nhân được khám, phát hiện và điều trị thành công, số bệnh nhân có xu hướng gia tăng và thay đổi mô hình bệnh tật so với cùng ký các năm.

Bệnh chưa có vacxin phòng bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn

  Con đường lây truyền:

- Qua tiếp xúc với người bệnh (ví dụ từ mụn nước);

- Qua không khi khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi;

- Tiếp xúc với đồ vật mà người bệnh cầm vào;

- Tiếp xúc với phân của người bệnh.

  Triệu chứng lâm sàng:

- Giai đoạn ủ bệnh: 3- 7 ngày;

- Giai đoạn khởi phát:  từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày;

- Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh;

+ Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

+ Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

+ Sốt nhẹ.

+  Nếu trẻ sốt cao, nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.

+ Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm- t ừ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

- Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

 Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, cần theo dõi sát trẻ để phát hiện điều trị sớm, tránh những di chứng nặng nề.

 Cần phân biệt bệnh với những bệnh có biểu hiện loét miệng, các bệnh có phát ban da (như thuỷ đâu, dị ứng, sốt phát ban, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu, sốt xuất huyết dengue) hay các bệnh viêm não màng não, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

 Điều trị:

- Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (Không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm);

- Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng;

- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.

 Các biện pháp phòng bệnh:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày;

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống:

+ Ăn chín, uống chín;

+ Ngâm, tráng nước sôi vật dụng ăn uống;

+ Sử dụng nước sạch;

+ Không mớm thức ăn cho trẻ;

+ Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi;

+ Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày (Dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn / ghế, sàn nhà, ...) bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh / nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ mắc bệnh đưa đi khám / thông báo ngay cho cơ quan y tế

 Đưa trẻ đi khám khi có các dấu hiệu bất thường:

- Loét niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt;

- Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông;

- Kèm theo sốt.

 Cần khẩn trương cho trẻ nhập viện theo dõi, điều trị khi có các dấu hiệu sau:

- Trẻ sốt cao trên 39độ C không thể hạ sốt;

= Quấy khóc, giật mình nhiều lần;

- Nôn ói, tay chân run rẩy, co giật, tim đập nhanh.

 Các ly trẻ tại bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh.